Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Phật thành Đạo





Đức Phật không có thành đạo, vì sao? Vì Phật là Đạo và Đạo là Phật. Ngoài Đạo không có Phật để thành và ngoài Phật không có Đạo để chứng. Thế thì tại sao, hàng năm vào ngày mồng tám tháng chạp âm lịch, Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam thường long trọng tổ chức kỷ niệm ngày lễ Phật thành đạo nhỉ?
Với câu hỏi ấy, ta có thể trả lời với những ý nghĩa như sau:
1- Kỷ niệm ngày vị Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ thành Phật
Kỷ niệm Phật thành đạo là kỷ niệm ngày Bồ-tát Tất-đạt-đa sau những tháng năm dài xuất gia tu tập đã tự mình nỗ lực đoạn trừ hoàn toàn các lậu hoặc, từ thô đến tế và đã chứng nhập thể tính chân thực của đạo giải thoát và giác ngộ. Ấy là ngày Bồ-tát Tất-đạt-đa từ địa vị của một vị Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ bước lên địa vị của Bậc giải thoát và giác ngộ hoàn toàn.
Vì vậy, ngày mồng Tám tháng chạp âm lịch là ngày Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam kỷ niệm ngày Bồ-tát Tất-đạt-đa thành Phật, chứ không phải kỷ niệm ngày Phật thành Phật. Vì Phật là viên giác, nên không có gì để được hay mất, để thành hay bại và vì Phật là thường tại ở trong tịch diệt, nên không có chủ thể năng chứng và đối tượng để chứng. Chủ thể và đối tượng thường trực phân ly ở nơi thế giới thường nghiệm của nhận thức phàm tục, chứ ở nơi thế giới của tuệ giác thường trực và tròn đầy, thì chủ thể và đối tượng đều sáng trong, rỗng lặng và tịch diệt.
Nên, kỷ niệm ngày Phật thành đạo là kỷ niệm ngày Bồ-tát đạo viên thành Phật đạo của Bồ-tát Tất-đạt-đa.
2- Kỷ niệm ngày vị Bồ-tát viên thành đại nguyện và đại hạnh
Kỷ niệm Phật thành đạo là kỷ niệm ngày mà Bồ-tát Tất-đạt-đa viên thành chất liệu đại nguyện và đại hạnh. Viên thành đại nguyện, vì vô lượng vô số kiếp về trước, từ nơi Bồ-đề tâm, Bồ-tát Tất-đạt-đa đã từng quỳ trước chư Phật quá khứ, phát khởi đại nguyện với đầy đủ hai chất liệu đại trí và đại bi.
Với chất liệu đại trí, Bồ-tát đã nỗ lực học hỏi không hề biết mỏi mệt với các bậc thiện hữu tri thức và luôn luôn hết lòng phụng sự các bậc thiện hữu tri thức để được học hỏi, nhằm trau dồi trí tuệ đến chỗ thấy biết chân thực hoàn toàn đối với mọi sự hiện hữu và không hiện hữu, đối với các pháp sinh diệt và không sinh diệt.
Với chất liệu đại bi, Bồ-tát Tất-đạt-đa đã thực tập sự thương yêu và trân quí những gì tốt đẹp vốn có nơi tự thân, vốn có ở nơi mọi người và muôn loài. Bồ-tát đã thực tập sự thương yêu chân thực từ một người cho tới nhiều người, từ một loài cho đến muôn loài thương yêu và bảo vệ ngay cả cỏ cây, hoa lá, núi rừng biển cả và thiên nhiên.
Và viên thành đại hạnh là do từ đại nguyện ấy, Bồ-tát Tất-đạt-đa đã trải qua vô lượng vô số kiếp, tinh cần ngày đêm không biết mỏi mệt để biến đại nguyện trở thành hiện thực của đại hạnh. Nghĩa là nguyện bao nhiêu thì hạnh bấy nhiêu. Đối với Bồ-tát, nguyện và hạnh không hề tách rời nhau, dù chỉ là khoảnh khắc. Vì vậy, đối với Bồ-tát, nguyện là hạnh và hạnh là nguyện. Đối với bản thân, Bồ-tát có bao nhiêu phiền não, thì có bấy nhiêu hạnh và nguyện để đoạn trừ và dứt sạch. Đối với chúng sanh có bao nhiêu loài đang bị khổ đau, thì Bồ-tát có bấy nhiêu hạnh nguyện, phương pháp và hình tướng thích ứng để giúp chúng sanh nhiếp phục và chuyển hóa những nguyên nhân tập khởi khổ đau ấy, khiến cho những tập khởi khổ đau của họ không còn, tâm của họ được an trú vững chãi ở trong sự rỗng lặng của Niết-bàn tuyệt đối. Nguyện đưa tất cả chúng sanh vào ở trong sự rỗng lặng của Niết-bàn tuyệt đối gọi là đại nguyện hay viên thành đại nguyện. Nếu nguyện mà thiếu nội dung ấy, thì không thể gọi là viên thành đại nguyện. Nguyện cho mình thành Phật và nguyện cho hết thảy chúng sanh cũng đều thành Phật, nguyện như vậy gọi là viên thành đại nguyện. Biến đại nguyện ấy trở thành đại hạnh. Hạnh và nguyện ấy không hề rời nhau trong mỗi tâm niệm và trong mọi biểu hiện của mọi động tác, gọi là đại hạnh hay viên thành đại hạnh của Bồ-tát.
Vậy, Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam kỷ niệm Phật thành đạo là kỷ niệm ngày Bồ-tát Tất-đạt-đa viên thành đại nguyện và đại hạnh ấy của tâm bồ-đề.
3- Kỷ niệm ngày vị Bồ-tát chứng nhập viên mãn Phật tam thân
Phật tam thân gồm: Phật pháp thân, Phật báo thân và Phật ứng hóa thân.
Phật pháp thân, nghĩa là bản thể thanh tịnh, không sinh, không diệt của vạn pháp, là thân của Phật. Thân ấy của Phật siêu việt mọi không gian và mọi thời gian, nên thân ấy đối với mọi không gian và đối với mọi thời gian nó vẫn nghiễm nhiên thường tại.
Phật báo thân, nghĩa là thân thể của Phật là do tu tập giới, định, tuệ và các pháp lục độ, nên đã đoạn trừ hoàn toàn các lậu hoặc thuộc về dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Vì vậy, báo thân của Phật là thân viên mãn của các pháp thuộc về phước đức và trí tuệ vô lậu.
Thân ấy cũng là thân thường tại không sinh diệt. Nó không sinh diệt, vì nó là kết quả tựu thành từ các pháp vô lậu. Phật ứng hóa thân, nghĩa là thân thể của Phật sinh khởi từ đại nguyện và đại hạnh để giáo hóa làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Thân ấy biểu hiện qua nhiều hình tướng khác nhau, tùy theo y báo và chánh báo của chúng sanh trong từng thế giới mà Phật biểu hiện thân thể thích ứng theo từng chủng loại để hóa độ. Thân nầy biểu hiện đầy đủ các mặt gồm: Đản sanh, Thành đạo, Chuyển Pháp luân và Niết-bàn.
Chư Phật trong ba đời và mười phương thế giới, kể từ khi các Ngài phát tâm Bồ-đề hành Bồ-tát đạo, cho đến khi viên thành đại nguyện và đại hạnh, tức là các Ngài đều chứng nhập Phật pháp thân thanh tịnh, viên mãn Phật báo thân và có khả năng biểu hiện muôn ngàn ức thân hay vô lượng thân tướng theo hạnh và nguyện để giáo hóa chúng sanh. Do đó, bất cứ Bồ-tát nào khi thành tựu bậc Toàn giác đều có đầy cả ba thân như vậy.
Nên, Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam kỷ niệm ngày Bồ-tát Tất-đạt-đa thành Phật, chính là kỷ niệm ngày Bồ-tát thành tựu ba thân ấy vậy.
4- Kỷ niệm ngày ánh sáng Trí tuệ, Từ bi, hòa bình xuất hiện và tỏa chiếu cùng khắp
Ngày thành Phật của Bồ-tát Tất-đạt-đa không những quan trọng đối với Tăng, Ni, Phật tử chúng ta, mà còn quá ư quan trọng đối với tất cả nhân loại và muôn loài.
Tại sao? Vì đối với Tăng, Ni, Phật tử, chúng ta có một bậc Thầy giác ngộ hoàn toàn, một bậc Đạo sư có đầy đủ Trí tuệ, Từ bi và hùng lực để dẫn dắt chúng ta vượt qua biển đời sinh tử để đi đến nơi hạnh phúc tịnh lạc của Niết-bàn tuyệt đối.
Đối với nhân loại, Ngài là một bậc Đạo sư đầy đủ Trí tuệ và Từ bi đã công bố giáo pháp đem lại hòa bình an lạc cho nhân loại. Như ông Ban ki Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nói trong Thông điệp Đại lễ Vesak 2008 như sau: “Hơn hai ngàn năm trăm năm qua, những lời dạy của đức Phật vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của hàng trăm triệu người trên thế giới. Việc tổ chức hàng năm Đại lễ Vesak là cơ hội để Phật tử xác quyết niềm tin vào giáo pháp của Ngài, đồng thời nêu cao giáo lý Từ bi, Trí tuệ và Hòa bình mà Ngài đã thuyết giảng…”
Như vậy, đối với nhân loại, ngày Bồ-tát Tất-đạt-đa thành đạo chính là ngày thành tựu đời sống hòa bình, đời sống của trí tuệ và từ bi, đồng thời cũng là ngày công bố giáo lý hòa bình và đời sống ấy cho nhân loại bằng chính con đường mà Bồ-tát Tất-đạt-đa đã chứng nghiệm và giác ngộ hoàn toàn.
5- Kỷ niệm ngày mở ra cách nhìn mới cho nhân loại
Ngày Bồ-tát Tất-đạt-đa thành Phật ở nơi cõi Ta-bà nầy là mở ra cho nhân loại một cách nhìn mới, một cách tư duy mới, một cách phát ngôn mới, một cách hành động mới, một cách sống mới, một cách nỗ lực mới, một cách ghi nhận mới và một cách trầm tĩnh mới.
Cách nhìn mới là cách nhìn không bị rơi vào những cục bộ phiến diện do sự điều động bởi những nhận thức sai lầm từ một bản ngã phàm tục hay siêu nhiên. Cách nhìn mới ấy, là cách nhìn thấy rõ mọi sự hiện hữu trong sự tương quan duyên khởi. Một sự hiện hữu có mặt trong mọi sự hiện hữu và mọi sự hiện hữu đang dung chứa ở trong một sự hiện hữu. Chúng hiện hữu với nhau trong sự dung thông toàn thể, sống động mà không có bất cứ một cá thể nào có thể tồn tại độc lập. Sự tồn tại của một cá thể độc lập kể cả cá thể siêu nhiên chỉ là những ý niệm điên đảo vọng tưởng, chúng khởi lên từ tâm thức yếu hèn, hay tâm thức đầy cao ngạo và mù quáng.
Tư duy mới là tư duy không thiết lập trên nền tảng hữu ngã mà trên nền tảng của các pháp duyên khởi vô ngã, để chứng nghiệm tự tánh viên thành nơi vạn hữu.
Cách phát ngôn mới là cách phát ngôn không quay về cho bản ngã hay cho bất cứ một cá thể nào mà chỉ nhắm tới hiển thị sự thực làm lợi ích cho toàn thể.
Cách hành động mới không phải là cách hành động nhắm tới lợi ích cho cá nhân mình mà cho tất cả mọi người và muôn loài. Cách hành động ấy có khả năng làm đình chỉ những nguyên nhân sinh khởi khổ đau và là động cơ dẫn sinh mọi đời sống an lạc.
Cách sống mới là cách sống giản dị mà sâu lắng, đơn giản mà thanh cao, không đặt đời sống của mình trong tháp ngà ảo vọng mà đặt đời sống của mình liên hệ đến nhân quả tốt đẹp không phải chỉ đời nầy mà cả nhiều đời về sau; không phải chỉ biết đặt sự liên hệ đời sống của mình trong một phạm trù mà là toàn thể và không đặt sự tồn tại sinh mệnh của chính mình ở trong ngũ dục mà ở trong sự tịch tịnh các dục.
Cách nỗ lực mới là nỗ lực nhìn thấy sự thực của khổ đau mà chuyển hóa những nguyên nhân của nó, chứ không phải nỗ lực tránh né hay khắc phục hậu quả khổ đau; nỗ lực mới là nỗ lực phát huy những tiềm năng tốt đẹp vốn có và nỗ phát huy những tiềm năng ấy đến chỗ toàn hảo; nỗ lực mới là nỗ lực khơi mở và yểm trợ cho những người khác nhận ra được tiềm năng tốt đẹp vốn có của họ và giúp cho họ phát triển tiềm năng ấy đến chỗ toàn hảo, để cho tất cả thế giới đều được sống ở trong thế giới toàn hảo và được bảo chứng bởi những chất liệu toàn hảo mà do chính hành động tốt đẹp của mỗi người tạo ra cho mọi người và mọi người tạo ra cho mỗi người.
Cách ghi nhận mới là cách ghi nhận không lầm lẫn giữa cái nầy với cái kia, giữa tác nhân nầy với tác nhân kia, giữa tác duyên nầy với tác duyên kia, với bản chất nầy với bản chất kia, với hiện tượng nầy với hiện tượng kia… Với cách ghi nhận mới như vậy, chúng có tác dụng tạo ra sự trầm tĩnh sâu lắng cho tâm ta, khiến cho tâm ta càng lúc càng vững chãi, không bị tác động bởi những hấp dẫn của ngũ dục thế gian. Sống ở đâu, lúc nào và tiếp xúc với ai cũng có ý thức sáng trong, tự chủ và tĩnh tại.
Bởi vậy, ngày thành đạo của Bồ-tát Tất-đạt-đa đã mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới về sự hiểu biết, về hành động, cách phát ngôn… tất cả đều chuyển tải nội dung của trí tuệ và từ bi toàn hảo, đem lại sự an lạc và hòa bình cho những ai, cho những cộng đồng nào biết chấp nhận và sống bằng đời sống có nội dung của chất liệu ấy.
Không có ngày thành đạo của Bồ-tát Tất-đạt-đa, sẽ không có sự kiện chuyển Pháp luân của Ngài ở vườn nai, và ở trên đời nầy không bao giờ có Phật, Pháp, Tăng xuất hiện một cách toàn vẹn đầy đủ cả sự và lý làm chỗ nương tựa an ổn cho chư Thiên và loài người trong biển đời sinh tử.
Vì vậy, kỷ niệm ngày Bồ-tát Tất-đạt-đa thành Phật, Tăng, Ni, Phật tử chúng ta không phải chỉ kỷ niệm suông trên ngôn ngữ, trên những hiểu biết tri thức hay trên những biểu hiện lễ nghi trống rỗng mà phải từ nơi niềm tin chân thực và trái tim bồ-đề của chúng ta. Và chúng ta càng không nên biến ngày ấy trở thành một ngày lễ hội mà phải biết biến ngày ấy là ngày của chánh kiến, chánh trí và chánh giải thoát.
Hãy giải thoát cho nhau thoát khỏi những ràng buộc của tham sân si, cố chấp và tà kiến; hãy mở ra cho nhau những buộc ràng vô lối, những qui ước phàm tục và hãy hiến tặng cho nhau những tự do căn bản và tối thiểu của tâm hồn, để từ đó cùng nhau tu tập bước tới địa vị giác ngộ toàn hảo, đem lại lợi ích cho hết thảy muôn loài.
Chúng ta nỗ lực thực tập và nguyện sống với những gì cao quí của hạnh và nguyện như thế là chúng ta đã làm cho ngày thành đạo của đức Thế Tôn chúng ta hiện hữu một cách sống động và thực tế. Ngày cao quí ấy đã, đang và sẽ đến với chúng ta và chúng ta cũng đã, đang và sẽ đi đến với ngày ấy một cách toàn hảo không phải chỉ thuần túy bằng đức tin mà bằng chính hành động “quên mình giữa tất cả mọi người" của chúng ta.

Thích Thái Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 58, tr.22, 2009] 
http://phapluan.com/phat-hoc/24-thanh-dao/1152-phat-thanh-dao

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Nói về Luân hồi - Nguyên Phước



1. Luân hồi (hay tái sinh, samsara) là một khái niệm có từ lâu trước đạo Phật, trong truyền thống Veda, Upanishad. Đức Phật chấp nhận nó, nhưng không coi nó là quan trọng.

2. Luân hồi được dùng trong xã hội Ấn Độ cổ xưa để giải thích sự khổ đau, những bất công trong xã hội (do phân chia thế cấp) và đem lại hy vọng cho một kiếp sau hạnh phúc hơn. Sau này, luân hồi cũng mang lại an ủi và hy vọng đồng thời trấn an những kẻ tham sống sợ chết (như đa số chúng ta), sợ hãi hư vô. Nói chung người ta tin vào luân hồi và tìm đủ mọi cách để biện hộ cho nó... cũng chỉ bởi vì còn ôm chặt cái "ta"! (nếu hiểu rỏ lý duyên khởi thì đâu còn vấn đề gì !)

3. Trước những câu hỏi siêu hình (sau khi chết đi về đâu, vũ trụ, thời gian hữu hạn hay vô hạn, v.v...), Đức Phật giữ im lặng, không trả lời. Đó là những câu hỏi không trả lời được, bất khả tri, bất khả tư nghì.

4. Bàn về luân hồi, về bản thể của vũ trụ, về Chân Như, về tự tánh, Phật tánh, thế giới vô hình, v.v... chẳng mang lại được gì, tất cả chỉ là giả thuyết, giả danh, hí luận, lôi kéo mình xa lìa cuộc sống...

5. Trong khi thực tế là - Đức Phật đã dạy, và chúng ta kiểm nghiệm được mỗi ngày - con người đang khổ đau: 2/3 nhân loại không đủ ăn mặc, chiến tranh, bạo lực gây tang tóc khắp nơi, bất công,tham nhũng lan tràn, tuổi trẻ lạc hướng, đạo đức suy đồi, trái đất bị tàn phá...

6. Đối với tôi, chỉ có một giải pháp duy nhất là áp dụng lời dạy căn bản của Đức Phật; tìm nguồn gốc của khổ đau, phiền não mà diệt chúng, tu tập theo giới, định, huệ, để chuyển hóa tâm mình và phần nào tâm người.

Được cái gì hay cái đó. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, trong cõi Ta Bà này, là sự thật duy nhất mà mình sống và kiểm nghiệm được.

Nguyên Phước

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Bí ẩn đằng sau hai cuốn “Hành trình về Phương Đông”





Vừa qua, cộng đồng mạng bình luận sôi nổi về việc có hai cuốn “Hành trình về Phương Đông” nhưng nội dung hoàn toàn khác nhau. 
Một cuốn do Nguyên Phong phóng tác và viết lại vào năm 1975 từ tác phẩm gốc “Journey to the East” của Baird T.Spalding, do NXB Adyar (Ấn Độ) ấn hành năm 1924. 
Cuốn sau rất dày do Huy Hoàng mua bản quyền từ “LIFE AND TEACHING OF THE MASTERS OF THE FAR EAST” của Baird T.Spalding, gồm 6 tập, in năm 1986, do Anlebooks dịch, NXB Devorss & Company - Hoa Kỳ ấn hành.
Hai tựa tiếng Anh đã khác nhau, nhưng do sự nhập nhèm của dịch giả Anlebooks mà nhiều người nhầm tưởng bộ ra sau là “toàn tập”, nên cốmua cho trọn bộ. Đến khi cầm lên đọc mới tá hỏa: Cuốn sau chả liên quan gì đến cuốn “Hành trình về Phương Đông” rất nổi tiếng của Nguyên Phong.
Nội dung hoàn toàn khác nhau
Nếu như cuốn “Hành trình về Phương Đông” của Nguyên Phong dẫn dắt người đọc đến với thế giới của những trải nghiệm khoa học về năng lượng, tâm linh, thiền định, chữa bệnh, dưỡng sinh, yoga và các triết lý Phật giáo của các bậc tu sĩ Ấn Độ đắc đạo truyền lại, thì cuốn sau do Anlebooks dịch lại nói về thế giới vô hình, thuyết lượng tử, ý thức nhị nguyên, tập trung về Đức Chúa trời, chúa Jesus và Thượng đế Do cách dịch quá bám sát bản gốc, chưa thoát ý, nên không ít người đọc bị lạc vào mê hồn trận của từ ngữ, rất khó hiểu và gọi cuốn sau là “bản dịch trời ơi”. Trong khi đó, “văn phong cuốn “Hành trình về Phương Đông” do Nguyên Phong dịch dễ hiểu, lôi cuốn, gần gũi, không triết lý cao siêu mặc dù nói rất sâu về khía cạnh tâm linh và tôn giáo”.
Một độc giả am hiểu khác, sau khi biết được có sự nhầm lẫn tai hại này, đã khẳng định: “Tôi từng đọc một số chương trong cuốn “Hành trình về phương Đông” do Nguyên Phong dịch và thậm chí cũng đã đọc nguyên tác bằng tiếng Anh. Và tôi lấy làm lạ khi thấy hai cuốn sách này gần như là khác nhau hoàn toàn, nếu tính đến từng câu chữ, từng chương sách. Thậm chí, tên sách của cuốn “Life and Teachings of the Masters of the Far East” (tạm dịch: Cuộc sống và cácgiáo huấn của các vị thầy miền Viễn Đông) lại đặt đúng như tên sách “Hành trình về phương Đông” mà Nguyên Phong đã đặt hơn 30 năm trước, làm rất nhiều người bối rối và không biết phân biệt làm sao...”.
Khi có người hỏi nhân duyên nào tìm ra tập sách này để dịch và phổ biến như thế, dịch giả Nguyên Phong đã trả lời trên một tờ báo lúc đó : “Tình cờ tôi nhặt được cuốn sách trong thư viện. Cuốn sách cũ quá, nhưng bỗng nhiên tôi không muốn buông ra, bèn mượn cuốn sách này đem về đọc chơi. Nhưng lạ thay, suốt đêm ấy cuốn sách đã hoàn toàn chinh phục tôi, tôi đọc một mạch, rồi đọc lại. Những điều nói trong cuốn sách như vẽ ra cho tôi một vùng trời vừa huyền bí, vừa trong sáng, lại vừa như khơi dậy từ sâu thẳm của tôi niềm tự hào của nền triết học Đông Phương”.
Vì tác phẩm phóng tác “Hành trình về phương Đông” của tác giả Nguyên Phong quá xuất sắc và khác biệt so với bất kỳ bản gốc nào, nên vào năm 2009, NXB BookSurge Publishing tại New York cùng hai dịch giả Poven Leace và Biện Giang đã liên hệ xin phép Nguyên Phong để dịch ngược sang tiếng Anh với tựa “Journey to the East” với tên Nguyên Phong ở ngoài bìa ở vị trí như một tác giả. Cuốn sách tiếng Anh này đang song song phát hành cùng với tác phẩm “Life and Teaching of The Master of the Far East” của NXB Devorss & Company là NXB mà công ty Huy Hoàng mua bản quyền. Điều này khẳng định là hai cuốn sách này hoàn toàn khác nhau.
Nhân vật bí ẩn lộ diện
Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách có số phận khá ly kỳ. Trong phần tái bản mới có ghi: “Xuất bản lần đầu ở Ấn Độ năm 1924, “Hành trình về phương Đông” đã gây tranh cãi không chỉ ở nước Anh mà ngay cả ở Châu Âu và Mỹ. Sau đó, vì tự ái và sĩ diện, Chính phủ Anh cấm phát hành cuốn sách này ở Anh Quốc, rồi Chiến tranh Thế giới thứ hai xảy ra, cuốn sách không còn được tái bản nữa và thất lạc”.
Có người cho rằng, rất có thể, chính Nguyên Phong là tác giả của cuốn sách. Vì một lý do nào đó, ông đã không thừa nhận điều này. Thế nên mới có sự “biến mất” bí ẩn của tác giả, NXB (đóng cửa) và ngay cả nguyên tác cũng không lưu lại ở bất cứ thư viện lớn nào trên thế giới.
Vậy, Nguyên Phong là ai mà độc giả hâm mộ đến như vậy? Một con người cực kỳ khiêm tốn, một học giả của nhiều đầu sách dịch giá trị, nhưng đặc biệt - cái tên Nguyên Phong chỉ là bút danh. Ông là giáo sư John Vũ (tên thật là Vũ Văn Du). Các tác phẩm do ông dịch đã được First News - Trí Việt xuất bản ở VN gồm: “Ngọc sáng trong hoa sen”, “Bên rặng Tuyết Sơn”, “Hoa trôi trên sóng nước”, “Minh triết trong  ời sống”, “Đường mây qua xứ tuyết”…
Khi bức màn bí mật về nhân vật Nguyên Phong được vén lên, thật bất ngờ, đó là một con người kiệt xuất. GS John Vũ - Nguyên Phong là một trong những nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ. Hiện nay, Giáo sư kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu phần mềm của ĐH Carnegie Mellon và là nghiên cứu viên kĩ thuật và kĩ sư trưởng Công nghệ thông tin tại Boeing. Trong 15 năm làm việc ở Boeing, ông từng tham gia vào chương trình phần mềm hỗ trợ cho máy bay Boeing 777 và là nhà vô địch về cải tiến qui trình ở Boeing...
Ông từng giữ vị trí Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Boeing. Ông đã từ chối nhận nhiều giải thưởng rất uy tín của Mỹ và từ chối các cuộc phỏng vấn của các hãng thông tấn uy tín. Ông nhận lời thỉnh giảng và nói chuyện với sinh viên nhiểu trường đại học lớn trên thế giới.

 http://laodong.com.vn/van-hoa/bi-an-dang-sau-hai-cuon-hanh-trinh-ve-phuong-dong-377636.bld